Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian của tác giả Ocean Vuong & Khánh Nguyên (dịch).
“Vuong thực sự có thiên tài quan sát.” The New York Times
“Với một xuất thân bên rìa hết sức xa lạ, Vuong đã viết nên một tác phẩm trữ tình về quá trình tự khám phá chính mình, vừa thành thật đến choáng váng, vừa phổ quát trong từng câu chữ.” The Washington Post
“Bằng sự chính xác của một nhà thơ, Ocean Vuong xem xét liệu biến kinh nghiệm của chúng ta thành từ ngữ có thể chữa lành những vết thương trải hàng thế hệ hay không, và liệu tiếng nói của ta có thể nào thực sự được nghe bởi những người ta yêu thương nhất.” Celeste Ng
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian viết dưới dạng một lá thư của nhân vật chính, Chó Con, gửi cho người mẹ không biết chữ của mình. Dưới dạng những mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, và những bài thơ, cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con (tên gọi yêu do bà ngoại đặt cho, nhưng cũng là cách tất cả mọi người trong sách gọi cậu) từ thuở nhỏ đến lúc chớm trưởng thành, mà cả ba thế hệ từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ, cũng như câu chuyện của những thanh niên Mỹ thế hệ cậu mà đặc trưng là người bạn trai Trevor.
Cuốn sách thường được đọc như một Bildungsroman (tiểu thuyết trưởng thành), nhưng cũng có nhiều người coi đây là một Künstlerroman (tiểu thuyết kể về quá trình một người nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ).
TÁC GIẢ:
Ocean Vuong sinh năm 1988 ở Sài Gòn với tên Vương Quốc Vinh.
Ocean Vuong - đã sáng tác thơ và ấp ủ mong muốn được làm nhà thơ từ những năm cấp 3 - dần dần nhập vào giới thơ ca ở New York, rồi tiếp đó được nhận vào trường Brooklyn College thuộc Đại học thành phố New York. Anh đã xuất bản hai tập thơ mỏng (chapbook) No (2013) và Burnings (2010) cũng như tham gia nhiều cuộc biểu diễn thơ (open mic) trước khi tập thơ đầu tay, Night Time with Exit Wounds, giành được giải thưởng trong một cuộc thi và được chính thức xuất bản, biến anh trong chớp mắt thành một ngôi sao. Tiểu thuyết đầu tay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được cả đống báo lớn kể tên trong danh sách các cuốn sách đáng mong chờ nhất năm 2019, khi ra đời lập tức nhảy vào danh sách Bestseller của New York Times cùng được bầu chọn là Cuốn sách của năm của vô số báo, tạp chí, trang văn học mạng, và càn quét cả đống giải thưởng (chi tiết xem ở đây: https://www.oceanvuong.com/copy-of-home). Anh sắp cho ra mắt tập thơ mới với tựa đề Time is a Mother, nhiều bài trong đó nói về nỗi đau mất mát khi mẹ anh qua đời năm 2020.
Hiện nay, Ocean Vuong tham gia giảng dạy chuyên ngành sáng tác ở trình độ Thạc sĩ nghệ thuật (MFA) ở trường Đại học Massachusetts Amher
TÁC GIẢ NÓI VỀ SÁCH:
Thư viết cho Nhã Nam nhân bản dịch sắp ra: “Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về "nhà", thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui.”
“Tôi không muốn gọi cuốn sách này (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) là một câu chuyện bi kịch. Tôi nghĩ những câu chuyện hay nhất đều có buồn và vui sánh vai nhau - bởi cuộc sống chính là như thế.” Anh nhận xét thói quen ở Mỹ thường cho rằng “một thứ gì đó chỉ có giá trị khi ta đã thuần phục, chinh phục hoặc hàng phục được nó. Nhưng trong cuốn sách này tôi muốn đi theo một cách tiếp cận khác. Không có nạn nhân, không có kẻ thủ ác.”
GIẢI THƯỞNG:
LONGLIST for the National Book Award
WINNER of the American Book Award
WINNER of the Mark Twain American Voice in Literature Award
WINNER of the New England Book Award
WINNER of the Massachusetts Book Award
WINNER of the Connecticut Book Award
WINNER of the Brooklyn Public Library Literary Prize
WINNER of the Publishing Triangle’s Ferro-Grumley Award for LGBTQ Fiction
WINNER of the Digital Book World: Best Book
Honor Title for the 2020 Asian Pacific American Award for Literature & 2020 Stonewall Book Awards’ Barbara Gittings Literature Award
Finalist/Shortlist for the 2020 PEN/Faulkner Award, Lambda Literary Award, Kirkus Review Book Prize, Center For Fiction’s 2019 First Novel Prize, Goodreads Choice Award for Best Fiction, Goodreads Choice Award for Best Debut Novel, Dylan Thomas Prize, Lambda Literary Award, VCU Cabell First Novelist Award, Dublin Literary Award, Premio Terzani Prize, & Kulturhuset Stadsteatern International Literature Prize
Longlist for the Andrew Carnegie Medal for Excellence & PEN/Hemingway Award for Debut Novel.
***
Có nên dán nhãn 18+ với 'Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian'?
Tiểu thuyết của Ocean Vương gây tiếng vang quốc tế. Nhưng sách có những trang mô tả trần trụi cảnh quan hệ tình dục, đặt ra vấn đề bức thiết: Chọn sách sao cho phù hợp lứa tuổi?
Gần đây một phụ huynh than phiền việc giáo viên một trường quốc tế cho học sinh đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian - tiểu thuyết có đề cập đến vấn đề tính dục và tình dục.
Cụ thể, chị A.L. có bài đăng trên Facebook phản ánh việc con gái đang học lớp 11 trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) được giao đọc cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian trong kỳ nghỉ lễ. Chị cho rằng tác phẩm này có "ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm", do đó không phù hợp cho học sinh. Bài đăng thu hút nhiều tương tác và các bình luận, ý kiến trái chiều.
Những chủ đề nhạy cảm trong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian"
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tựa tiếng Anh: On Earth We're Briefly Gorgeous) là tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Mỹ gốc Việt Ocean Vương, xuất bản lần đầu tại Mỹ tháng 6/2019 và bản dịch tiếng Việt ra mắt vào tháng 12/2021. Cuốn sách được viết như một bức thư dài mà nhân vật tôi (có biệt danh Chó Con) gửi đến mẹ mình - một phụ nữ đưa con trai sang Mỹ nhập cư và là một thợ làm móng.
Chủ đề bao trùm của tác phẩm là tình mẫu tử, thân phận và danh tính của thế hệ sống trong chiến tranh và thế hệ kế thừa của người nhập cư. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là lời tự thuật của một thiếu niên đang tuổi trưởng thành, bao gồm lời kể về mối tình của nhân vật "tôi" với người bạn cùng giới Trevor.
Một số trang sách đề cập trực tiếp, "trần trụi" việc hai nhân vật này quan hệ tình dục.
TS Đào Lê Na, giảng viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ những trích đoạn dùng làm dẫn chứng để kết luận rằng đây là một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy là không thỏa đáng vì đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ so với tổng thể câu chuyện vốn khai thác những chủ đề rộng lớn hơn. Theo cô, những chi tiết này là cần thiết trong việc xây dựng một câu chuyện chân thực rất "con người".
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là tiểu thuyết giàu chất thơ, thể hiện được khả năng kiến tạo ngôn ngữ của một nhà thơ được công nhận tại Mỹ. Đây là một tác phẩm hay về câu chuyện những người nhập cư trên đất Mỹ, những người không chỉ mang vết thương của chiến tranh mà còn thể hiện góc nhìn của một người đồng tính - nhân vật ngoại vi, bên lề của xã hội. Đáng chú ý hơn, đó không phải là tiếng nói mong cầu sự thương hại mà trái lại, là tiếng nói mạnh mẽ, kể một câu chuyện đầy tự tin".
Theo cô, chính cách kể chuyện và gợi tả chân thực, bao gồm cả các chi tiết về tình dục, tính dục đã góp phần xây dựng vị thế của nhân vật "tôi": không phải một người thua thiệt, mà là một người có tiếng nói riêng. Nếu người dị tính có thể đề cập đến những điều này, thì tại sao một người đồng tính, một cậu trai mới lớn lại không có quyền mô tả cơ thể mình?
Cụ thể hơn, việc miêu tả cảnh quan hệ đang gây tranh cãi lại là đoạn cần thiết vì nó liên quan đến vấn đề chủng tộc mà người nhập cư châu Á trên đất Mỹ phải đối mặt. Cảnh quan hệ gây tranh cãi đó cho thấy sự thắng thế và khả năng làm chủ của một cậu bé da vàng trước một thanh niên da trắng. Ngay sau cảnh quan hệ, tác giả đã viết: "Bởi vì, con sớm nhận ra, khuất phục cũng là một dạng quyền lực. Để được vào trong khoái lạc, Trevor cần con. Con có một lựa chọn, một ngón nghề, cậu lên hay xuống đều phụ thuộc vào việc con có sẵn lòng xếp chỗ cho cậu, vì ta không thể vươn lên nếu không có gì cho ta vươn cao hơn nó".
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được cả độc giả lẫn giới chuyên môn quốc tế công nhận. Cuốn sách lọt vào danh sách tác phẩm hay của năm trên The New Yorker, Kirkus Review, Amazon,... và nhận đề cử, lọt vào danh sách rút gọn nhiều giải thưởng danh giá như PEN/Faulkner Foundation, PEN America, Hiệp hội Thư viện Mỹ, giải thưởng Goodreads do độc giả bình chọn...
Nhà phê bình Steph Cha nhận định tiểu thuyết là "một cuốn sách giàu vẻ đẹp và chất thơ, chân thành và khôn nguôi, hàng loạt nốt nhạc rung lên trang nhã không ngơi nghỉ".
***
'Sách của Ocean Vuong không phải truyện khiêu dâm'
Nhiều chuyên gia nhận định "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vuong có chi tiết về giới tính, tình dục nhưng không phải "sách khiêu dâm".
Hôm 2/5, bài đăng trong nhóm phụ huynh các trường quốc tế gây xôn xao với nội dung một người mẹ phản ánh có con - học lớp 11 tại trường Quốc Tế TP HCM, ISHCMC - được giáo viên phát cuốn Một thoáng ta rực rỡ nhân gian (bản tiếng Anh: On Earth We're Briefly Gorgeous), của tác giả Mỹ gốc Việt Ocean Vuong, để đọc.
www.mphuong.name.vn
Khi đọc cùng con, phụ huynh bất bình vì sách chứa nội dung "khiêu dâm", miêu tả cảnh quan hệ tình dục của hai nam thiếu niên, có thể khiến con chị bị "đầu độc về mặt tinh thần".Bìa bản tiếng Việt của tác phẩm "On Earth We're Briefly Gorgeous", 304 trang, người dịch: Khánh Nguyên. Khi phát hành trong nước năm 2022, tác phẩm tạo "cơn sốt", tái bản sau một tháng. Ở lễ trao giải Sách hay 2022, bản dịch tiếng Việt thắng hạng mục sách Văn học. Ảnh: Quế Chi
Tối cùng ngày, ISHCMC cho biết thu hồi 19 sách và đang đánh giá, xem xét quy trình tác phẩm được giới thiệu cho học sinh. Theo đại diện ISHCMC, cuốn này và tác giả Ocean Vuong thuộc danh mục đọc tham khảo, gồm nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, do Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) giới thiệu.
Hiện, tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được phát hành tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, sách có chi tiết nhạy cảm ở đoạn viết về nhân vật Chó Con và người bạn trai Trevor khám phá cơ thể của cả hai trong mối tình đồng giới. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - thành viên hội đồng xét giải Sách Hay 2022, sự kiện vinh danh tác phẩm này ở hạng mục sách văn học - cho rằng chi tiết nhạy cảm chưa nói hết tinh thần tác phẩm. Sách gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý và thơ ca, về cuộc di cư dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ của ba thế hệ. "Sách mang giá trị nhân văn, không khiêu dâm", ông Nguyên nói.
Còn theo tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM), sự chật vật trong cuộc sống được tác giả mô tả qua mối quan hệ giới tính và trải nghiệm tính dục. "Không phải sách nào có chi tiết về tình dục thì đều là sách khiêu dâm", Hồ Khánh Vân cho biết.
Thạc sĩ lý luận văn học Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng nội dung sách chưa hợp với lứa tuổi dưới 16. "Nhưng các bạn lớp 11 thì đã trên 16 tuổi, nên việc đưa cuốn sách vào danh mục tham khảo không hẳn là không được. Chưa kể, không phải cứ nhắc đến chuyện chăn gối là đồi trụy. Cùng nói về vấn đề thân xác, nhục cảm, song giữa đồi trụy và nghệ thuật có những lằn ranh rõ ràng", ông Khuê nói.
Dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng trường học cần cân nhắc chọn sách phù hợp với đối tượng bạn đọc, nhất là học sinh. Theo tiến sĩ Đào Lê Na, trước khi phổ biến, nhà trường nên có lưu ý để học sinh hiểu vì sao những đoạn trích trong tác phẩm cần thiết cho việc học và thưởng thức văn chương.
Với sách có những đoạn miêu tả nhạy cảm về tình dục, học sinh cần được chuẩn bị kiến thức, tâm lý để tiếp cận, có quyền chọn đọc hoặc không đọc.
Trường có thể tổ chức buổi hướng dẫn cách đọc, tiếp cận sách văn học trước khi giới thiệu tác phẩm cho học sinh, để các em có đủ lý luận, tư duy tìm hiểu, cảm nhận và phân tích giá trị tác phẩm. Ngoài ra, nếu sách được dùng giảng dạy ở trường quốc tế, học sinh nên đọc bản tiếng Anh, có thể đối chiếu tiếng Việt nếu cần.
Trong quá trình là học giả thỉnh giảng tại Mỹ, Đào Lê Na nhận thấy nhiều độc giả đánh giá ngôn ngữ văn chương của Ocean Vuong giàu chất thơ. Việc đọc sách của học sinh Mỹ đa dạng, ít bị giới hạn thể loại, đề tài. Trong đó, một số tác phẩm phân loại theo độ tuổi để học sinh được lựa chọn. Còn khi đưa sách vào môi trường học đường tại Việt Nam cần được cân nhắc, chuẩn bị về nhiều mặt.
"Hiện không có quá nhiều sách viết về đề tài người đồng tính nhập cư từ góc nhìn của một người trong cuộc như Ocean Vuong. Độc giả, đặc biệt là người yêu thích, nghiên cứu văn học, có thể tham khảo tác phẩm của Ocean Vuong, do sách thể hiện tinh thần đương đại của văn chương", Đào Lê Na nói.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định việc tiêu chí phân loại sách còn phức tạp và chưa cụ thể hóa, dẫn đến tình trạng từ xưa đến nay, trẻ em lén đọc sách không phù hợp lứa tuổi. Nguyên nhân đến từ phía cha mẹ không có thời gian quan sát con, còn trẻ em không biết cách chọn sách cho mình. "Cha mẹ nên chọn sách, cổ vũ thói quen đọc sách của con. Nếu phụ huynh không biết thì nên tìm đến các thầy cô, chuyên gia văn học để tìm những cuốn sách chất lượng", nhà văn cho biết.
Ngoài ra, việc phân loại sách theo độ tuổi cần thiết cho độc giả. Tiến sĩ Hồ Khánh Vân cho biết khác với văn học, điện ảnh được phân loại theo độ tuổi và đối tượng khán giả một cách khá rõ ràng thành phim P, 13+, 16+, 18+, C-, K-. Khi nhìn vào phân loại phim, người xem có thể tự định hướng và chọn tác phẩm phù hợp với mình.
Còn sách phát hành trong nước được phân loại theo thể loại (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn), nội dung (tâm lý xã hội, trinh thám, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng) và theo đối tượng khán giả, không cụ thể độ tuổi (thiếu nhi, tuổi mới lớn, người lớn). Các tác phẩm chứa đựng yếu tố kinh dị, tính dục, bạo lực chưa phân loại rõ ràng, dễ gây ra sự nhập nhằng cho người đọc khi lựa chọn.
"Bộ Giáo dục đang áp dụng, nhiều bộ sách giáo khoa với chủ trương và định hướng phát triển văn hóa đọc, việc giới thiệu sách tham khảo đáng được khuyến khích trong bối cảnh này. Và khi giáo viên chọn sách để giới thiệu cho học sinh thì cần có hệ thống tiêu chí chọn sách phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý xuất bản ở Việt Nam có thể nghĩ đến một hệ thống phân loại sách rõ ràng hơn, nhất là các sách có các yếu tố tính dục, bạo lực để người đọc dễ lựa chọn", tiến sĩ nói.
Ocean Vuong, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, 36 tuổi, là nhà thơ, tiểu thuyết gia. Anh sinh ra ở TP HCM, lớn lên tại Hartford, Connecticut (Mỹ). Năm 2016, tập thơ đầu tay Night Sky With Exit Wound đoạt giải T.S Eliot. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, On Earth We're Briefly Gorgeous, xuất bản năm 2019 và sắp được hãng A24 chuyển thể thành phim.
Bản tiếng Anh nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay về tình cảm gia đình của The Guardian. Lauren Puckett-Pope, phó tổng biên tập tạp chí Elle đánh giá là một trong 15 tiểu thuyết hay nhất năm 2022. Bà cho biết đọc hết cuốn sách trong một chiều hè và sau đó liên tục suy ngẫm về nỗi đau, sự kiên cường nhân vật đã trải qua. Lauren cho rằng độc giả nên nghiền ngẫm cuốn sách, nhất là những bài thơ tác giả viết.
Theo đài NPR, ngôn ngữ của tác giả bay bổng khi viết về cái đẹp, sự sinh tồn và tự do. Ocean Vuong khẳng định mình và mẹ không phải được sinh ra từ chiến tranh như chính anh nghĩ bấy lâu, mà là "từ cái đẹp".