Vì bố mẹ đều đang rất hạnh phúc nhưng không cùng nhau…
Sau 11 năm chung sống, bố mẹ quyết định đường ai nấy đi bởi vì bố vô tâm chỉ mải kiếm tiền. Đối với bố nhà chỉ là nơi để về sau ngày dài mệt mỏi, bố xem mẹ như “osin” không lương, điều duy nhất bố làm được là đem về cho hai mẹ con rất rất nhiều tiền. Nhưng đó lại chưa phải là tất cả những gì mẹ cần, mẹ cần một người chồng biết quan tâm, lo lắng cho gia đình, luôn bên cạnh động viên, sẻ chia cùng mẹ. Mẹ muốn cùng bố đi siêu thị mua đồ, cùng bố lái xe về quê cuối tuần, cùng bố đi xem một bộ phim mới ra rạp… nhưng mẹ đều phải làm một mình vì bố bận.
Sau khi bố mẹ ly hôn, con theo mẹ đi thuê nhà, thời gian đầu bố vẫn đến thăm đều nhưng kể từ lúc mẹ có “bạn trai” mới bố không đến nữa. Mẹ và “bạn trai” hẹn hò khoảng nửa năm thì làm đám cưới vì mẹ có em bé. Dượng là người đàn ông ngược lại hoàn toàn với bố, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng rất ân cần, chu đáo, có thể vì cơn nghén thèm ăn của mẹ mà lái xe 30 phút lúc nửa đêm đi mua bằng được món mẹ thích. Mẹ và dượng còn cùng nhau đi mua đồ cho em bé, dượng tự tay chọn từng cái áo, từng cái khăn sữa tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Mẹ hạnh phúc lắm vì cuối cùng cũng tìm được người đàn ông mơ ước của cuộc đời mình. Sau khi mẹ sinh, em bé khó nên mẹ bận rộn hơn không còn thời gian để ý đến con nữa, sự hiện diện của con trong nhà chỉ còn được bác giúp việc để tâm. Một ngày con xin phép mẹ và dượng cho về ở với bố, cả hai đồng ý luôn. Khi đi mẹ còn dặn “con sang bên ý ở với bố nhưng bất cứ khi nào con muốn hãy trở về đây, đây cũng là nhà của con”.
Sang với bố, ngày nào hai bố con cũng đi ăn hàng không thì đặt đồ về ăn vì bố bận không có thời gian nấu nướng mà bố cũng không biết nấu món gì cả. Con chán những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ thèm một bữa cơm bình thường có món cá om dưa chua nhưng không dám nói ra sợ bố giận. Một ngày kia bố vui mừng thông báo hai bố con sẽ chấm dứt những ngày ăn hàng, chuyển sang ăn cơm nhà, bố đi lấy vợ. Vợ mới của bố là một người phụ nữ đẹp lắm, cô ấy còn có một đứa con gái kém con 1 tuổi nữa. Cô ấy lại tiếp tục thế chỗ của mẹ, ngày ngày cơm nước tinh tươm, nhà cửa sạch sẽ, quần áo thơm ngát cho cả nhà. Chỉ là con cảm thấy không quen thuộc khi thấy cô ấy trong bếp mặc chiếc tạp dề của mẹ, con cũng không quen khi thấy cô ấy ngủ trên chiếc giường mà trước đây bố mẹ và con đã cùng nằm. Có lần con đi học về sớm thấy cô ấy đang lén cho con mình ăn đùi gà và dặn em ấy không được khoe với con. Bố thì bận, dì thiên vị con riêng, ông bà nội ở xa, con chẳng biết tâm sự cùng ai cả.
Cuối cùng con dọn về ở cùng ông bà ngoại dưới quê. Vậy là hai ông bà lại làm “bố mẹ” ở cái tuổi ngoài 60, ngày ngày cơm nước đưa đón cháu tới trường. Hai ông bà sống một mình lúc nào cũng mong ngóng các cháu về chơi cho vui cửa vui nhà, nhưng sự “trở về” này đau lòng quá. Nhưng biết làm thế nào được, con chỉ còn điểm tựa cuối cùng là ông bà, nếu căn nhà này không chào đón nữa thì một đứa bé 9 tuổi biết đi đâu về đâu giữa cuộc đời dài rộng. Mỗi ngày thấy cháu lầm lũi lớn lên tự ăn, tự chơi, tự xếp sách vở, ông bà mua cho gì dùng nấy không đòi hỏi, đi học về là phụ bà chăm đàn gà, chẳng thấy nó đi chơi bao giờ, mà hình như nó cũng không có bạn bè nào cả. Nhìn cháu hiểu chuyện mà đau lòng, còn đâu sự hồn nhiên ngây thơ của lứa tuổi.
Khi ly hôn người lớn mặc nhiên nghĩ mình là người chịu tổn thương nhiều nhất, ai cũng nhận mình đáng thương, mình là nạn nhân. Họ cho rằng quyết định ly hôn chính là lựa chọn tốt nhất giải thoát cho cả hai và mang lại hạnh phúc cho con. Nhưng lại vô tình đẩy con vào cảnh cô đơn, lạc lõng không thể chia sẻ cùng ai. Ngày ra tòa, họ thề hứa sẽ bù đắp cho đứa con, sẽ không để con tủi thân hay thiếu thốn. Nhưng một thời gian ngắn sau, khi tìm được người mới mà họ nghĩ là “định mệnh” của mình, họ làm cô dâu, chú rể lần nữa. Những lo toan cho gia đình mới rồi những đứa con mới ra đời… những lần thăm con của họ ít dần và cuối cùng là không còn.
Sau cùng chúng ta sẽ lại tìm thấy mảnh ghép khác phù hợp hơn cho riêng mình, chỉ có con là chịu nhiều thiệt thòi nhất khi một gia đình tan vỡ. Bạn đời bỏ người này có thể lấy người khác, nhưng con còn cả bố và mẹ đó nhưng có khác gì một đứa trẻ “mồ côi” không, chúng có hẳn tận “2 nhà” đó nhưng đến đâu thì cũng chỉ là “khách” mà thôi. Xin hãy suy nghĩ lại trước khi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn, hãy cứu vãn hôn nhân khi còn có thể. Cuộc đời này vô thường, tình cảm sẽ đổi thay, cảm xúc là nhất thời, tất cả chỉ là lựa chọn.
—------